Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đồng chí Lê Phước Thọ trong buổi giới thiệu quyển sách "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước" vào năm 2020. Ảnh: Duy Khôi.
Đồng chí Lê Phước Thọ, tên thường dùng là Sáu Hậu, sinh năm 1927 tại xã Tân Lộc, huyện Cà Mau, tỉnh Minh Hải, nay là xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đồng chí tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, được kết nạp Đảng vào ngày 10-2-1949. Gần trọn cuộc đời gắn bó với miền Tây Nam Bộ, từng là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND nhiều tỉnh trong khu vực, trước khi được Trung ương phân công làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Phước Thọ có nhiều cống hiến to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và kiến thiết đất nước. Dù ở cương vị nào, dù lúc đương nhiệm hay đã về hưu, đồng chí luôn là tấm gương mẫu mực, gần gũi, chí tình, nhân hậu, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo tài năng.
Trải 96 tuổi đời, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác, đồng chí Lê Phước Thọ luôn được Đảng tin tưởng, nhân dân yêu mến, vì sự trọn lòng với đất nước, quê hương. Trong hồi ký "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước", đồng chí đã bày tỏ nghĩa nặng tình sâu với quê hương Cà Mau - Bạc Liêu thời tuổi thơ, với vùng đất miền Tây Nam Bộ đã giúp ông trưởng thành. Từng dòng tâm sự của ông qua hơn 400 trang sách đều mong cho đất nước đẹp giàu, ấm no, tiến bộ, sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Năm 1986, khi đồng chí ra Hà Nội nhận công tác, mẹ và vợ con ở Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn, phải bươn chải đủ nghề đề mưu sinh. Đồng chí Lê Phước Thọ nhấn mạnh: "Nhắc lại để thấy đất nước mình đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn, đòi hỏi sự đồng lòng, san sẻ, nỗ lực phấn đấu trong từng hộ gia đình". Đồng chí Lê Phước Thọ cũng tâm sự: "Tôi rất nặng nghĩa, nặng tình với quê hương xứ sở một thời gian khổ. Mừng vui khi quê hương đã có nhiều thay đổi".
* * *
Tháng 3-1976, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở hợp nhất TP Cần Thơ trực thuộc Khu 9, tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. 10 năm (1976-1986) gắn bó với Hậu Giang trên cương vị là lãnh đạo địa phương, từ Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vượt qua muôn vàn khó khăn sau ngày thống nhất đất nước, giúp Hậu Giang đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trong cuốn "Lê Phước Thọ - Một nhân cách, một tấm gương", đồng chí Trần Quốc Trung, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đã nhắc đến 4 dấu son mà đồng chí Lê Phước Thọ cùng Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ghi dấu ấn đậm nét. Đầu tiên là phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, vì mục tiêu chung là xây dựng tỉnh Hậu Giang giàu mạnh. Thứ hai là nhanh chóng giải quyết tốt, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong những năm đầu giải phóng. Thứ ba, đồng chí đã cùng Đảng bộ tỉnh sớm xác định nông nghiệp là "nhiệm vụ trung tâm hàng đầu", nhờ đó từ điểm xuất phát rất nhiều khó khăn sau chiến tranh, cơ giới hóa chưa cao, trình độ canh tác thấp, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nông nghiệp Hậu Giang chuyển biến rõ nét trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và sản lượng. Đơn cử, nếu giai đoạn 1975-1976, diện tích canh tác của Hậu Giang chỉ có 380.000ha, năng suất từ 1-3 tấn/ha, tổng sản lượng lúa là 990.795 tấn; thì đến năm 1986, diện tích canh tác trên 425.000ha, năng suất 8-10 tấn/ha (2 vụ), tổng sản lượng lúa đạt 1,6 triệu tấn. Thứ tư, trước hành động xâm lược và chính sách diệt chủng của Pol Pot - Ieng Sary, đồng chí cùng Tỉnh ủy Hậu Giang xác định rõ vai trò hậu phương, có nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Sau khi Campuchia hoàn toàn giải phóng vào đầu năm 1979, đồng chí và Tỉnh ủy xác định "giúp bạn là tự giúp mình", cử đoàn chuyên gia qua nước bạn giúp khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Đồng chí Lê Phước Thọ rất quan tâm đến chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn. Giai đoạn 1976-1986, bên cạnh tập trung xóa bỏ tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm đồi trụy do chế độ cũ để lại, thì việc xây dựng văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa được đồng chí và Tỉnh ủy rất quan tâm. Mỗi năm, Hậu Giang đều đặt ra các chuyên đề riêng về phát triển văn hóa, giáo dục. Xin đơn cử một câu chuyện được đồng chí Lê Phước Thọ kể trong hồi ký: Với việc xây dựng Sân vận động Cần Thơ vào năm 1981 có sức chứa 45.000 người, lớn nhất Việt Nam khi đó, nhiều người đặt vấn đề "Hậu Giang còn nghèo, nguồn vốn hạn hẹp sao lại xây sân vận động lớn vậy?", đồng chí Lê Phước Thọ trả lời rằng, khi xây sân vận động, ông có suy nghĩ đến tương lai, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân khi kinh tế dần ổn định. Vả lại, Hậu Giang không hoàn toàn sử dụng ngân sách mà chủ yếu vận động xã hội hóa. Câu chuyện này cho thấy tầm nhìn chiến lược, bền vững và lâu dài của đồng chí Lê Phước Thọ.
* * *
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Phước Thọ được Trung ương điều động làm Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Trong giai đoạn này, đồng chí được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng giao nhiệm vụ làm Trưởng Tiểu ban xây dựng Đề án "Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp".
Với cương vị này, đồng chí có nhiều trăn trở: Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn có phạm vi rộng lớn, đa dạng mà kinh nghiệm từ tỉnh Hậu Giang chỉ trong phạm vi nhỏ. Đại hội VI của Đảng ta đã có đường lối đổi mới và chỉ rõ "xây dựng kinh tế là trung tâm", là thuận lợi cơ bản, nhưng thực tế vẫn còn tư tưởng "đổi mới và bảo thủ" đan xen phức tạp. Cơ sở vật chất phục vụ nông nghiệp còn hạn chế, sản xuất tự túc, tự cấp, độc canh cây lúa... Mô hình nông trường quốc doanh, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất còn mang nặng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Đội ngũ cán bộ nông nghiệp vừa thiếu vừa yếu... "Với những vấn đề trên, tôi suy nghĩ rất nhiều là: nhân dân nhiều vùng trong cả nước đang thiếu lương thực, bị đói trên diện rộng, ta làm như thế nào để sản lượng lương thực vừa đủ ăn lại có dự trữ quốc gia, đồng thời có sản lượng lúa hàng hóa xuất khẩu gạo bằng và hơn Thái Lan", đồng chí Lê Phước Thọ kể lại trong "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước".
Từ những trăn trở đó, sau khi khảo sát 4 vùng kinh tế khác nhau của cả nước trong 9 tháng, đồng chí Lê Phước Thọ cùng Tiểu ban đề án đã dự thảo đề cương Nghị quyết về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Sau đó, dự thảo Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (sau này gọi là Khoán 10) ra đời, được soạn thảo rất công phu, đổi mới, sáng tạo, giải quyết đúng đắn 3 mối quan hệ lợi ích Nhà nước - tập thể - kinh tế hộ. Ngày 5-4-1988, Nghị quyết về Khoán 10 được Bộ Chính trị thông qua, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký. Khoán 10 là văn kiện quan trọng, thể hiện những đổi mới sâu sắc trong chính sách kinh tế "tam nông". Nghị quyết xác định rõ vai trò tự chủ hộ nông dân và giải phóng sức sản xuất, tổ chức lại sản xuất, phát huy kinh tế nông nghiệp từ các thành phần kinh tế, từng bước xóa bỏ nông nghiệp tự túc, tự cấp, chuyển sang sản xuất hàng hóa. Nghị quyết cũng xử lý căn bản vấn đề quan hệ sản xuất, quyền sở hữu, tư liệu sản xuất, nhất là đất đai. Với Khoán 10, đồng chí Lê Phước Thọ để lại dấu ấn sâu sắc.
Năm 1991, từ Ban Nông nghiệp Trung ương, đồng chí Lê Phước Thọ được phân công về giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Lúc này, Đảng ta bước vào giai đoạn “tự đổi mới, tự chỉnh đốn” trong toàn Đảng, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Ngay sau nhận nhiệm vụ, đồng chí Lê Phước Thọ cùng Ban Tổ chức Trung ương xác định 4 nhiệm vụ chủ yếu: Làm đề án xây dựng Nghị quyết "Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng" thông qua Bộ Chính trị, trình Hội nghị Trung ương 3 Khóa VII quyết định; tổng kết công tác xây dựng Đảng từ năm 1975-1995; xây dựng tiêu chuẩn tổ chức cơ sở đảng và đảng viên "Trong sạch, vững mạnh"; xây dựng đề án bồi dưỡng, đào tạo và quy hoạch cán bộ các cấp, trọng tâm cán bộ cấp chiến lược. Đây là những nhiệm vụ mới và khó, nhưng trong nhiệm kỳ 1991-1996, đồng chí Lê Phước Thọ cùng tập thể Ban Tổ chức Trung ương đã hoàn thành rất tốt, để lại những di sản quý báu trong Đảng ta đến hôm nay.
Với vai trò Trưởng Tiểu Ban Đề án về "Đổi mới và chỉnh đốn Đảng", đồng chí đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn, lấy ý kiến các cấp ủy địa phương, cơ sở, cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và một số cán bộ lão thành. Ngoài Đề án chung, Tiểu Ban còn soạn thảo 4 đề án riêng: công tác chính trị tư tưởng; công tác cán bộ; công tác tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; phương thức lãnh đạo của Đảng. Hội nghị Trung ương 3 Khóa VII diễn ra từ ngày 18 đến 29-6-1992 đã ra Nghị quyết "Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng". Nghị quyết được tổ chức học tập, triển khai và tạo sự chuyển biến rõ nét trong Đảng và đảng viên. Kể về quá trình soạn thảo nghị quyết này, đồng chí Lê Phước Thọ nhắn nhủ: "Tôi tâm đắc và có lời nhắn nhủ đến thế hệ hôm nay đang được nhân dân giao phó "cầm cân, nảy mực", nắm vận mệnh đất nước, qua câu nói vẫn vẹn nguyên giá trị của cha ông: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Đối với một đất nước, muốn phát triển giàu mạnh vững bền thì yếu tố con người vô cùng cần thiết".
* * *
Trong cuốn "Lê Phước Thọ - Một nhân cách, một tấm gương", nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã chia sẻ rằng, là nhà lãnh đạo hàng đầu chuyên trách về công tác tổ chức cán bộ của Đảng, đồng chí Lê Phước Thọ rất chặt chẽ và nghiêm khắc trong việc bảo vệ những vấn đề thuộc về nguyên tắc tổ chức của Đảng. Đồng thời, vốn là một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh và dày dặn kinh nghiệm, nên trong xử lý công việc, đánh giá và nhận xét cán bộ, đồng chí vận dụng nhuần nhuyễn, thấu tình đạt lý. Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết nhớ mãi khi ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, về một buổi làm việc với đồng chí Lê Phước Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: "Anh không đao to búa lớn, cũng không khen, chỉ hoan nghênh, động viên một số việc đã làm được. Đặc biệt là anh chỉ ra, phân tích rõ những khuyết điểm, yếu kém và cách khắc phục, Qua những buổi làm việc như vậy, tôi học hỏi được nhiều, thấy mình lớn lên, tự tin hơn".
Đó là tài năng của nhà lãnh đạo, là nhân cách mẫu mực của người đảng viên, cũng là bản tính của người miền Tây sông nước, mà dấu chân đã "in đậm trên quê hương, đất nước".
ĐĂNG HUỲNH
Theo https://baocantho.com.vn
-----------------
Bài viết có sử dụng tư liệu:
Lê Phước Thọ, "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước", NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, 2020;
Thành ủy Cần Thơ, "Lê Phước Thọ, Một nhân cách, một tấm gương", 2021.