Hội thảo khoa học “Thể lệ và đề cương chi tiết Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ”

Thứ ba - 27/08/2024 11:12 114 0
Ngày 27/8/2024, Ban Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu và biên soạn Địa chí Cần Thơ: Địa lý và Lịch sử Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Thể lệ và đề cương chi tiết Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ chủ trì Hội thảo.
11 1
Chủ tọa Hội thảo khoa học.

Địa chí Cần Thơ là công trình nghiên cứu khoa học có tính đặc thù, Tập Địa chí Cần Thơ có 03 quyển, được thực hiện theo đề tài nghiên cứu khoa học gồm: Quyển 1 - Địa lý và Lịch sử Cần Thơ; Quyển 2 - Kinh tế và Xã hội Cần Thơ; Quyển 3 – Văn hóa Cần Thơ. Là một phần trong tổng thể Địa chí Cần Thơ, Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ được biên soạn về địa lý hành chính, địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, lịch sử, nhân vật chí, di tích, di vật và danh thắng được ghi chép từ Địa chí Cần Thơ (2002). Từ đó, rà soát, đối chiếu dữ liệu cũ với dữ liệu mới để bổ sung, điều chỉnh, sắp xếp bố cục, bao gồm: Mở đầu; Chương 1: Địa lý hành chính; Chương 2: Địa lý tự nhiên; Chương 3: Địa lý dân cư; Chương 4: Sự kiện lịch sử; Chương 5: Nhân vật chí; Chương 6: Di tích, di vật; Chương 7: Danh thắng và phần Kết luận bảo đảm Quy chuẩn biên soạn Địa chí quốc gia Việt Nam, tương thích với đơn vị thành phố Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung từ năm 2004 đến năm 2024.
 
11 2
Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học.

Nhìn từ góc độ thực  tiễn, có thể thấy Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ được biên soạn nhằm giới thiệu về địa lý hành chính, địa lý tự nhiên, địa lý dân cư thuộc phạm vi thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương; ghi nhận các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử tiêu biểu, di tích, di vật, danh thắng trải qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển thành phố Cần Thơ và là nguồn tư liệu chính thức, có tính khoa học và thực tiễn, xác hợp với vị trí, vai trò của thành phố Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương phục vụ cho các sở, ngành chức năng của thành phố Cần Thơ tập hợp có hệ thống, có tính toàn diện những số liệu cơ bản về địa phương để hoạch định các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ được xem là tư liệu quý báu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, tra cứu, bảo tồn, giáo dục về truyền thống lịch sử địa phương; đồng thời quảng bá về vị trí, vai trò, tiềm năng của thành phố Cần Thơ - trung tâm động lực của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
11 3
Ths. Trần Văn Kiệt - Thư ký Ban Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học.

Theo đó, Ban Tổ chức Hội thảo khoa học đã nhận được 10 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với các ý kiến đánh giá, phân tích, đề xuất liên quan đến các nội dung về Thể lệ và đề cương chi tiết Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ.

Tại Hội thảo khoa học, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham dự có nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá, phân tích, đề xuất liên quan đến các nội dung về Thể lệ và đề cương chi tiết bản thảo Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ. Trong đó, các ý kiến tập trung các vấn đề như: (1) Các ý kiến tập trung vào các nội dung trọng tâm trong việc vận dụng Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam và Quy chế biên soạn Địa chí Cần Thơ để xây dựng Thể lệ biên soạn Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ; (2) Căn cứ vào Thể lệ và nguồn tư liệu lịch sử liên quan trực tiếp đến quá trình hình thành, phát triển Cần Thơ trong mối tương quan chung của lịch sử dân tộc, của Nam bộ và vùng Tây Nam bộ để dự thảo đề cương Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ; (3) Xác định rõ các quy chuẩn nghiên cứu và biên soạn về hình thức, nội dung, tư liệu nghiên cứu và tổ chức thực hiện việc nghiên cứu và biên soạn Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ.… Qua đó cho thấy, các tác giả đã có quá trình nghiên cứu sâu, toàn diện về các nguồn tài liệu, sách địa chí của các địa phương, các văn bản quy định liên quan đến công tác biên soạn địa chí, đặc biệt là sự tiếp cận Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội biên soạn nhằm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2079/QĐ-TTg, ngày 22/12/2017.
 
11 4
PGS.TS. Trần Văn Minh - Trường THPT Thực hành Sư phạm phát biểu ý kiến tại Hội thảo khoa học.

Phát biểu tổng kết Hội thảo khoa học, đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Cần Thơ, Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ nêu bật một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện biên soạn Địa chí Cần Thơ. Qua đó, đề cập quan tâm các vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu đầy đủ hơn Thể lệ biên soạn Địa lý và Lịch sử Cần Thơ. Vì đây là cơ sở, là nền tảng để tập hợp, tổng hợp tư liệu nghiên cứu và biên soạn từng báo cáo khoa học và bản thảo Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ;…

Thứ hai, báo cáo viết về sự kiện lịch sử, sau khi trích dẫn và viết lại theo Mục viết về sự kiện về giai đoạn lịch sử liên quan đến báo cáo, người viết cần hệ thống các sự kiện theo cách cách viết biên niên sự kiện; mô tả chi tiết về sự kiện theo quy định của Mục viết về sự kiện để mô tả sự kiện;…
 
11 5
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Cần Thơ, Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ phát biểu tổng kết Hội thảo khoa học.

Thứ ba, Chương Nhân vật lịch sử. Do ý kiến của Hội đồng khoa học có ý kiến viết về nhân vật lịch sử có mở rộng hơn so với Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam và do tầm quan trọng, tính nhạy cảm và tế nhị trong việc ghi nhận nhân vật lịch sử Cần Thơ nên cần thiết phải có ý kiến thống nhất của cán bộ lão thành, nhân chứng lịch sử, cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ, chuyên gia, nhà khoa học trong buổi Toạ đàm do Ban Chủ nhiệm tổ chức, sau đó sẽ xác định nhân vật lịch sử nào có đầy đủ thông tin theo Mục viết về nhân vật: Tên nhân vật; nguyên quán, quê quán, nơi sinh, hoàn cảnh xuất thân của nhân vật; tiểu sử, quá trình hoạt động của nhân vật; đặc điểm, tính cách nhân vật; sự nghiệp, công lao, đóng góp… và sự đánh giá ghi nhận của hậu thế và ảnh hưởng, tác động của nhân vật đến ngày nay sẽ ghi nhận mục viết về cá nhân;…

Qua Hội thảo khoa học với nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích ý nghĩa của nhiệm vụ biên soạn Địa chí nói chung, quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ nói riêng, đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm nhận định với sự quyết tâm của thành viên Ban Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ, sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan sẽ là điều kiện thuận lợi tốt nhất để hoàn thành bản thảo Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ đạt yêu cầu và đúng tiến độ đề ra.
Tin, ảnh: Hoàng Oanh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây