Người chiến sĩ cộng sản kiên trung
Theo cuốn sách “Châu Văn Liêm cuộc đời và sự nghiệp” của Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia (năm 1995), đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29-6-1902 tại ấp Rạch Tra, xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai). Năm 1915, ông được cha mẹ gửi lên học ở Cần Thơ. Tại đây, ông thường cùng bạn bè thăm Ðình thần Bình Thủy, nơi thờ các văn nhân, nhà yêu nước; đến thăm chùa Nam Nhã nơi thờ Bùi Hữu Nghĩa, bà chánh thất Nguyễn Thị Tồn và Giác Nguyên, được nghe kể chuyện cụ Phan Bội Châu bí mật về chùa này hội tụ những thanh niên yêu nước “Ðông Du” tìm đường cứu nước.
Năm 1922, người thanh niên Châu Văn Liêm đậu bằng Thành Chung tại Sài Gòn, sau đó học ngành sư phạm. Sau ngày tốt nghiệp, ông về dạy lớp nhất tại Trường Tiểu học Long Xuyên và cưới vợ, sau đó chuyển về trường Long Ðiền, quận Chợ Thủ (nay thuộc tỉnh An Giang). Giữa năm 1926, ông đề xướng và thành lập “Hội giáo viên, học sinh yêu nước” ở Long Xuyên; tháng 9-1926, thành lập “Việt Nam phục quốc Ðảng” ở Cần Thơ, cùng bạn bè mở tiệm thuốc ở Thới Lai và tổ chức một chiếc ghe đưa đón khách từ Ô Môn đi Thới Lai và Cờ Ðỏ để bí mật kết nối, liên lạc với những người có tâm huyết, phổ biến các tài liệu vận động lòng yêu nước trong đồng bào.
Cuối năm 1927, đồng chí Châu Văn Liêm được kết nạp vào tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1928, đồng chí làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Cuối năm 1928, đồng chí Châu Văn Liêm sang Sa Ðéc (nay thuộc tỉnh Ðồng Tháp) mở “Sa Ðéc học đường”. Ở đây, đồng chí không trực tiếp giảng dạy mà chỉ là lập cơ sở hoạt động. Từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Châu Văn Liêm đã tham dự Hội nghị hợp nhất các Ðảng trong nước, thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Bế mạc hội nghị, đồng chí Châu Văn Liêm trở về nước tiến hành thống nhất tổ chức Ðảng từ Nha Trang tới Cà Mau và xúc tiến thành lập Ban Lâm thời chấp ủy Ðảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ (Xứ ủy) và hợp nhất bộ phận Ðông Dương Cộng sản liên đoàn ở Nam kỳ vào Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 4-6-1930, trong một trận đấu tranh mặt đối mặt với quân thù tại quận Ðức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) đồng chí Châu Văn Liêm đã anh dũng hy sinh.
Trong phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng (1930-1960), Bác Hồ đề cập: “Châu Văn Liêm là một trong những đảng viên ưu tú vì dân, vì Ðảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt, rất xứng đáng để nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn và luôn học tập tinh thần dũng cảm để vượt qua tất cả mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.
Ghi nhớ công lao đóng góp của đồng chí Châu Văn Liêm đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và giáo dục cho các thế hệ mai sau, năm 2017, UBND TP Cần Thơ đầu tư 27 tỉ đồng xây dựng Ðền thờ Châu Văn Liêm tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai trên tổng diện tích mặt bằng hơn 8.000m2.
Đổi mới trên quê hương Châu Văn Liêm
Tự hào là những thế hệ nối bước đồng chí Châu Văn Liêm, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thới Thạnh luôn ra sức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần đưa địa phương trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Thới Lai.
Ở xã Thới Thạnh hôm nay, những con đường liên xã, liên ấp được trải nhựa, tráng bê tông rộng rãi, sạch đẹp; nhà văn hóa, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang; nhà tường mọc lên san sát; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động nhộn nhịp... Ðồng chí Nguyễn Minh Quang, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã, cho biết: “Trong kháng chiến và những năm đầu sau ngày hòa bình, đời sống người dân trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết gia đình nghèo đói và nhà cửa tạm bợ, chỉ có vài điểm trường học dựng bằng tre lá… Nối tiếp truyền thống cách mạng của ông cha, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thới Thạnh luôn nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp”. Ðến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 62 triệu đồng; xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016; có 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia; trên 80% đường giao thông được bê tông hóa; chợ nông thôn được xây dựng, các cửa hàng tiện ích, các dịch vụ ngày càng phát triển; khu nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi kho đông lạnh logistics từng bước được hình thành; hộ sử dụng điện an toàn đạt 100%; hộ sử dụng nước sạch đạt 98%; hộ nghèo giảm còn 0,63%...
Ðể đạt được kết quả đó, nhiều năm qua, Ðảng bộ, chính quyền xã tranh thủ sự đầu tư của thành phố và huyện; đồng thời, chỉ đạo, điều hành, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, vay vốn, bảo đảm an ninh trật tự, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Anh Lê Trần Hoàng Thiện, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã, khẳng định: “Chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi khi diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Người dân nơi đây luôn tự hào về truyền thống cách mạng anh hùng, ra sức thi đua lao động, sản xuất, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động”. Những năm qua, anh Thiện phối hợp vận động các nguồn lực xây hàng chục căn nhà Ðại đoàn kết tặng hộ nghèo và hộ khó khăn; vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền làm đường giao thông…
Ông Ngô Văn Nhị, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thới Bình A1, luôn tự hào về truyền thống quê hương - nơi sinh ra người con ưu tú Châu Văn Liêm. Ông cùng đảng viên trong ấp tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa giống lúa có chất lượng xuất khẩu vào sản xuất trên diện tích 186ha lúa, xây dựng 60ha cánh đồng lớn. Ðồng thời, hỗ trợ người dân vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật để cải tạo 16,4ha vườn trồng cây ăn trái, buôn bán nhỏ, chăn nuôi; vận động nhân dân đóng góp xây dựng 4 cây cầu bê tông, nâng cấp gần 3.000m đường giao thông nông thôn... “Tự hào và phát huy truyền thống cách mạng, cán bộ, đảng viên, nhân dân đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới” - ông Nhị chia sẻ.
Ðồng chí Nguyễn Minh Quang, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thới Thạnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực nâng chất các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; tích cực mời gọi đầu tư xây dựng chợ, khu nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi kho đông lạnh logistics… để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân, xứng đáng là thế hệ cách mạng kế thừa trên quê hương đồng chí Châu Văn Liêm”.
Bài, ảnh: Phương Nam