Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo

Thứ hai - 12/12/2022 04:12 319 0
Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Kế hoạch số 147-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Kế hoạch xác định mục tiêu đến năm 2025, nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, năng lực và kỹ năng ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người dân; lồng ghép kiến thức phòng thủ dân sự vào chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự, trong đó, chú trọng bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, các chủ trương, chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất, trang thiết bị, phục vụ nhiệm vụ phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm...; tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phòng thủ dân sự quốc gia phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy, cơ quan thường trực, cơ quan chuyên trách giúp việc Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về phòng thủ dân sự từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, dàn trải trong đầu tư nguồn lực, bố trí nhân lực, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.

Rà soát quy hoạch, xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự từ thành phố đến cơ sở phù hợp với tình hình và đặc điểm của từng địa phương; xây dựng cơ chế vận hành hoạt động phòng thủ dân sự chặt chẽ, phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng và tương ứng với từng điều kiện, tình huống cụ thể.

Kế hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 và những năm tiếp theo, tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và cộng đồng; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự các cấp.

Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, đề án, dự án trọng điểm về phòng thủ dân sự thành phố; thống kê, quản lý, xây dựng phương án, kế hoạch khai thác sử dụng các công trình ngầm, công trình dân sinh, công trình phòng thủ dân sự, kết hợp khu vực phòng thủ thành phố, quận, huyện, xã, phường, thị trấn vào phục vụ công tác luyện tập, diễn tập và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống phương tiện, vật chất, trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, kết hợp với nâng cao năng lực cho các lực lượng, bảo đảm thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ". Hoàn thiện và áp dụng bộ tiêu chí về năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh đối với các công trình, chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn, trọng điểm...

Để thục hiện đạt mục tiêu đề ra, kế hoạch xác định rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện, cụ thể đó là: (1) Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và sự tham gia của người dân trong phòng thủ dân sự; (2) Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của các lực lượng và người dân trong thực hiện phòng thủ dân sự; (3) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; (4) Xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phòng thủ dân sự quốc gia của thành phố đặt trong tổng thể quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của thành phố và kết hợp chặt chẽ đề án, dự án từng ngành liên quan; (5) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; (6) Đa dạng hóa và ưu tiên các nguồn lực để phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; (7) Chú trọng xây dựng lực lượng và tăng cường huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; (8) Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự.
VTV
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây